Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Bát chè hoa cau, Hanoi Vietnam

Nhìn bát chè hoa cau nhỏ xinh của người Hanoi Vietnam, được bày biện thật thích mắt, ấy vậy mà những nguyên liệu làm nên bát chè khá giản đơn và mang đậm hương vị quê hương với bột sắn, nước dừa, hoa bưởi, đậu xanh. Tuy vậy, chè hoa cau được chế biến hết sức tỉ mẩn và người chế biến cũng phải rất tinh tế thì mới cho ra được bát chè hoa cau đúng hương vị của nó.

Theo bí quyết của người Hanoi Vietnam, đỗ dùng để nấu chè phải là loại đỗ hạt tiêu tuy nhỏ nhưng vàng và thơm, hạt đầy thịt, không bị lép. Bột năng thì cho nước vào quấy tan, lọc lại cho bột mịn. Phải đun lửa liu riu và thao tác khuấy bột cũng phải thật đều tay, thấy nước hơi sánh lại là ngừng ngay để bột không bị quá già mà cũng không quá non. Vừa khuấy, vừa trộn với hỗn hợp nước được nấu với hoa bưởi, đỗ xanh vào thật đều tay. Nếu người chế biến chỉ cần sơ ý khuấy già tay một chút, món chè sẽ đánh mất hương vị tự nhiên của hoa bưởi.


Chè hoa cau bao giờ cũng có độ ngọt thanh vừa phải. Bát chè múc ra phải đạt được độ sánh mượt cần thiết cùng những hạt đỗ xanh đồ chín tới. Đỗ rắc khéo để không chìm, không vón cục mà chỉ lơ lửng như hoa cau vàng ươm, nhẹ nhàng, tinh khiết. Người Hà Nội xưa còn hết sức tỉ mỉ trong công đoạn trình bày. Chén múc chè phải làm nóng trước, úp mấy bông hoa bưởi mới nở, sao cho hương hoa bám vào chén chè, thơm nhẹ nhàng và ý nhị, để hương hoa bưởi hài hòa thấm đượm vừa đủ cả trong chè lẫn bát chè.

Cuối cùng, chế nước dừa thắng lên mặt những bát chè nồng nàn hương hoa, để màu trắng đục của nước dừa quyện vào cái thanh, cái ngọt của vị chè làm mát lạnh lòng người thưởng thức. Mỗi bát chè nhỏ xinh với hương thơm nhẹ lan tỏa, cùng đĩa xôi vò vàng ươm, vị bùi bùi, đậu nhiều hơn đỗ. Món chè hoa cau chỉ thưởng thức bằng bát nhỏ, để cảm nhận cái hương cái hoa, cái vị thanh ngọt nồng nàn khó quên của món chè.

Người ta thường ví món chè hoa cau như người Hà Nội, nhẹ nhàng thanh tao nhưng thật nồng nàn và khó quên. Người Hà Nội sành ăn lắm, mùa nào thức ấy, họ chọn những thức ăn đầu mùa, thật tươi, thật ngon để thưởng thức. Còn những thức ăn trái mùa người Hà Nội thường không để ý tới. Và ngay cả trong một ngày, có thứ quà người Hà Nội chỉ dùng trong buổi sáng, có thứ lại chỉ dùng cho buổi tối. Như món chè hoa cau, người Hà Nội thường dùng làm bữa ăn nhẹ vào buổi chiều. Chả thế mà đã có không biết bao nhiêu vần thơ, câu văn miêu tả tràn đầy xúc cảm về những gánh hàng rong rong ruổi khắp phố phường Hà Nội với những món ăn chơi trong buổi xế chiều. Hình ảnh chị bán hàng rong giữa dòng người tấp nập, ngồi góc phố cổ, tay múc bát chè hoa cau nóng hổi với hương  thơm nhẹ mà lan tỏa, với đĩa xôi vò đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Hà Nội và của mỗi vị khách du lịch khi đến với thành phố văn hiến này.

Cho dù món chè hoa cau của người Hanoi Vietnam xưa có nhiều thay đổi, thì cái hồn của bát chè hoa cau, cái tinh túy của ẩm thực Hà thành vẫn còn được lưu giữ, để món quà thanh tao ấy luôn là nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Tràng An. Món chè hoa cau Hà thành đặc biệt ở cái khéo léo của người chế biến, sự tinh tế của người thưởng thức và ở cái tình của người trao người nhận.


Chè long nhãn, Hanoi Vietnam

Chè sen long nhãn là món ăn giúp giải nhiệt trong những ngày hè nắng nóng, không những thế nó còn là món ăn bổ dưỡng, là vị thuốc bổ tâm, an thần, rất tốt cho sức khỏe. Có thưởng thức những món đặc trưng theo mùa của người Hanoi Vietnam, ta mới hiểu được ý nghĩa của câu “mùa nào thức nấy”, những món ăn tinh tế và đặc biệt là cái tình của người Hà Nội được gửi gắm trong mỗi món ăn của họ. Không quá phô trương, thậm chí là giản dị nhưng lại rất tinh tế và khéo léo.


Món chè ngon này không phải mùa nào cũng được thưởng thức, mà phải chờ đến tháng 7 âm lịch, khi những vườn nhãn đã sai trĩu quả, khi những bông sen đã nặng hạt, thì lúc ấy mới có bát chè sen long nhãn ngon. Trong những ngày hè nắng nóng, được bát chè mát lành thì thật là tuyệt, lại được thưởng cái vị ngọt thanh thanh, cùng trái nhãn chín mọng dày cùi thơm ngọt quyện với hạt sen bùi bùi thật bổ dưỡng và khoan khoái.

Chén chè sen không màu sắc bắt mắt, không cần trang trí cầu kỳ, nhưng cũng đủ khiến ta thấy thích mắt, bởi những quả nhãn chín mọng bọc lấy hạt sen, bởi nước chè thơm trong trong tạo cảm giác thuần khiết. Múc bát chè ra chén mà không cưỡng lại được sự hấp dẫn, chỉ muốn được ăn luôn, ăn ngay. Nhưng món chè này lạ lắm, người thưởng thức phải ăn thật từ tốn và chậm rãi, mới có thể thấm hết được cái hương vị mát lành của nó, để thưởng cái cùi nhãn giòn thơm cùng hạt sen chín mềm bùi bùi, và điểm chút hương hoa nhài thoảng thoảng từ nước chè.

Món chè long nhãn nguyên liệu có sẵn và dễ kiếm vào mùa hè, cách chế biến cũng thật đơn giản, nhưng không phải ai cũng có thể chế biến thành món chè long nhãn thật ngon. Người chế biến cần sự tinh tế và khéo léo, món chè đơn giản nhưng là sự kết tinh hài hòa của hương vị mùa hè, của những quả đặc trưng cho mùa hè là nhãn và hạt sen. Với món chè sen long nhãn này, bạn cũng có thể dùng nhãn khô để chế biến, nhưng nhãn khô phải được ngâm qua nước khoảng 10 phút để nhãn nở ra và mềm. Trong quá trình nấu, người chế biến cũng phải hết sức chú ý đến thời gian đun chè, bởi nếu đun quá lâu, thì món chè sẽ không được ngon và mất đi vị thơm ngon đặc trưng của nó.